BẢO HỘ NHÃN HIỆU
Bảo Hộ Nhãn Hiệu Đà Nẵng
Định nghĩa pháp lý về nhãn hiệu
Hiện nay, thuật ngữ “nhãn hiệu” và “thương hiệu” được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này và có khác nhau về khái niệm. Trên phương diện pháp lý, khái niệm “nhãn hiệu” được luật hóa quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam, còn “thương hiệu” thì không phải là khái niệm được luật hóa.
Trong đó, theo theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”.
Nhìn chung, bất kì chữ cái, từ ngữ, chữ số, hình vẽ, màu sắc, hình ảnh, sự sắp đặt, tiêu đề quảng cáo, nhãn hàng hoặc sự kết hợp của các dấu hiệu kể trên được sử dụng để phân biệt hàng hoá và dịch vụ của các công ty khác nhau có thể được coi là nhãn hiệu.
Ở một số quốc gia, các khẩu hiệu quảng cáo cũng được coi là nhãn hiệu và có thể được đăng ký một cách bình thường tại các cơ quan nhãn hiệu quốc gia. Ngày càng có nhiều nước cho phép việc đăng ký các nhãn hiệu ít tính truyền thống hơn như dấu hiệu ba chiều (ví dụ, chai Coca-cola hoặc thanh chocolate Toblerone), dấu hiệu nghe thấy được (âm thanh, ví dụ, tiếng gầm của sư tử được sử dụng trong phần giới thiệu các bộ phim của Tập đoàn Metro-Goldwyn-Mayer sản xuất hoặc dấu hiệu khứu giác như mùi nước hoa). Tuy nhiên, nhiều nước giới hạn về dấu hiệu có thể làm nhãn hiệu, chỉ cho phép đăng ký các nhãn hiệu có thể nhìn thấy được hoặc có thể được thực hiện theo hình hoạ.
Tại Việt Nam, theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), nhãn hiệu được định nghĩa là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Theo các khoản 17, 18, 19, 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, nhãn hiệu bao gồm các loại sau đây:
- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
- Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thì nhãn hiệu liên kết sẽ bị bãi bỏ và nhãn hiệu nổi tiếng sẽ sửa đổi lại định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”
Bên cạnh đó, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về khả năng phân biệt của nhãn hiệu như sau:
1) Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2) Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;
i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;
k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;
m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
Chức năng chính của nhãn hiệu
Các chức năng chính của nhãn hiệu là:
Thứ nhất, giúp khách hàng nhận ra sản phẩm, dù là hàng hoá hoặc dịch vụ, của một công ty cụ thể nhằm phân biệt chúng với các sản phẩm trùng hoặc tương tự do các đối thủ cạnh tranh cung cấp. Khách hàng hài lòng với một sản phẩm cụ thể rất có khả năng lại mua hoặc sử dụng sản phẩm đó trong tương lai. Do vậy họ cần phân biệt được một cách dễ dàng giữa các sản phẩm trùng hoặc tương tự.
Thứ hai, giúp cho doanh nghiệp phân biệt sản phẩm của họ với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Do vậy, nhãn hiệu có một vai trò then chốt trong chiến lược quảng cáo và tiếp thị của công ty nhằm xây dựng hình ảnh và uy tín về các sản phẩm của công ty trong mắt người tiêu dùng.
Thứ ba, tạo động lực cho các công ty đầu tư vào việc duy trì hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm rằng sản phẩm mang nhãn hiệu có uy tín tốt.
Phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại
Nhiều người tin rằng nếu họ đăng ký thành lập doanh nghiệp và tên thương mại của họ trong giấy phép Đăng ký kinh doanh thì tên gọi này cũng sẽ tự động được bảo hộ như là nhãn hiệu. Đây là sự hiểu nhầm phổ biến. Do đó, cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa tên thương mại và nhãn hiệu.
Theo khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Bên cạnh đó, khả năng phân biệt của tên thương mại được quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể:
Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Ngoài ra, tên thương mại mặc dù là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nhưng không được bảo hộ dưới hình thức cấp văn bằng. Tên thương mại không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ mà được công nhận thông qua việc sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
Như vậy, có thể hiểu là tên thương mại là tên gọi đầy đủ của một doanh nghiệp, ví dụ, “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Intra” và nó gắn liền với công ty đó. Nó thường kết thúc với các từ ngữ viết tắt thể hiện hình thức pháp lý của công ty như “Trách nhiệm hữu hạn – TNHH” hoặc “Tập đoàn”….
Trong khi đó, nhãn hiệu được dùng để phân biệt (các) sản phẩm của một doanh nghiệp với các sản phẩm của doanh nghiệp khác. Ví dụ: Công ty TNHH Quốc tế Intra có thể bán một sản phẩm của họ với nhãn hiệu Intra A nhưng lại bán sản phẩm khác với nhãn hiệu Intra B. Các công ty có thể sử dụng một nhãn hiệu để nhận dạng tất cả sản phẩm của họ hoặc một chủng loại sản phẩm nhất định hoặc chỉ một loại sản phẩm cụ thể mà họ sản xuất. Một số công ty cũng có thể sử dụng tên thương mại hoặc một bộ phận của chúng làm nhãn hiệu và do đó, phải xem xét đăng ký chúng làm nhãn hiệu.
Tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu
Quyền đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019, quy định:
1) Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
3) Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4) Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
5) Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:
- a) Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
- b) Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
6) Người có quyền đăng ký quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
7) Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019, quy định về các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như sau:
1) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
2) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
3) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
4) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
5) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
Khoản 21, Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi bổ sung một số khoản của Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 như sau:
- a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;”;
- b) Bổ sung khoản 6 và khoản 7 vào sau khoản 5 Điều 73 như sau:
“6. Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
- Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.”.
Tại sao cần bảo hộ nhãn hiệu?
Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là không bắt buộc, nhưng cần thiết. Nhãn hiệu được xác lập quyền theo nguyên tắc “First to file – Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên”. Theo đó, nhãn hiệu chỉ có thể được bảo hộ độc quyền thông qua việc đăng ký, trừ các nhãn hiệu nổi tiếng.
Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể bảo hộ nhãn hiệu của mình thông qua đăng ký. Việc đăng ký nhãn hiệu giúp cho doanh nghiệp độc quyền sử dụng nhãn hiệu. Điều này sẽ ngăn cản người khác tiếp thị các sản phẩm trùng hoặc tương tự dưới một nhãn hiệu hoặc trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn. Doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có thêr chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) nhãn hiệu hoặc nhượng quyền thương mại (franchise) nhãn hiệu được bảo hộ của mình cho các đơn vị kinh doanh, tổ chức, cá nhân khác, qua đó, tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhãn hiệu là tài sản thương mại vô hình có giá trị của một doanh nghiệp. Bảo hộ loại tài sản này là một phần không thể thiếu của bất kỳ chiến lược kinh doanh toàn cầu thành công nào. Một nhãn hiệu đã được bảo hộ có uy tín với người tiêu dùng cũng có thể được sử dụng để huy động vốn từ các tổ chức tài chính như ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư, những tổ chức vốn ngày càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự thành công của một doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không tiến hành bảo hộ nhãn hiệu, các công ty khác có thể vô tình hoặc cố ý sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn cho sản phẩm của họ. Các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, và hưởng lợi từ uy tín và mối liên hệ mà doanh nghiệp đã tạo dựng với khách hàng và đối tác kinh doanh của doanh nghiệp. Việc công ty khác sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp có thể gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng và làm tổn hại uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, đặc biệt khi sản phẩm cạnh tranh lại các có chất lượng thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính chất lãnh thổ, do vậy, nếu nhãn hiệu được bảo hộ ở Việt Nam không có nghĩa là nhãn hiệu đó cũng được bảo hộ ở nước ngoài. Khi dự định có các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài thì cá nhân, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu tại các nước đó. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký không có nghĩa là nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hoặc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài, nếu không tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ không làm chủ được nhãn hiệu của mình và có nguy cơ bị mất nhãn hiệu; bị làm giả, làm nhái hàng hóa, dịch vụ; bị thiệt hại khi có tranh chấp xảy ra; thiếu sự tin tưởng của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến doanh thu và lợi nhuận; khó khuếch trương thương hiệu; nguy cơ mất thị trường. Tóm lại, việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi, định giá cao cho sản phẩm, dịch vụ của mình.
Ngoài ra, theo quy định của hầu hết các nước, hàng hóa của doanh nghiệp phải được gắn nhãn hiệu đã được bảo hộ tại nước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài còn giúp các doanh nghiệp tránh được các trục trặc pháp lý và kiện tụng, yên tâm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường để thu về lợi nhuận bền vững.
Thực tế, trong thời gian qua, các nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, có uy tín, được sử dụng và biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nhưng lại không thể đăng ký tại nước ngoài vì đã có người đăng ký trước. Một trong những nguyên nhân chính là do cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã không lường trước được rủi ro về việc nhãn hiệu của mình sẽ bị người khác đăng ký trước tại thị trường nước ngoài, do vậy đã chậm trễ, chủ quan trong việc hoạch định kế hoạch đăng ký quốc tế nhãn hiệu của mình. Từ đó cho thấy việc nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về việc đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện có 02 cách đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài: Đăng ký trực tiếp tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp muốn bảo hộ nhãn hiệu của mình; đăng ký qua Hệ thống Madrid mà Việt Nam là thành viên. So với cách thức đăng ký trực tiếp, việc nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid có nhiều lợi thế hơn, cụ thể: chỉ yêu cầu đại diện pháp lý tại thành viên được chỉ định khi bị từ chối, trong khi nộp đơn đăng ký trực tiếp bắt buộc phải có đại diện pháp lý ngay từ thời điểm nộp đơn…
Hệ thống Madrid hiện có 112 thành viên, bao phủ 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore... đều đã tham gia hệ thống này.
Người nộp đơn chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất, bằng một ngôn ngữ, trả phí một lần (có ngoại lệ) bằng một loại tiền (Franc, Thụy Sĩ), thay vì phải nộp từng đơn, bằng các ngôn ngữ khác nhau, trả phí bằng nhiều loại tiền khác nhau tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Quản lý sau đăng ký (sửa đổi, chuyển giao quyền,…) dễ dàng hơn, chỉ bằng một yêu cầu thay vì cần phải làm nhiều yêu cầu và nộp tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Như vậy, hệ thống Madrid giúp cho người nộp đơn tiết kiệm thời gian, chi phí và đơn giản hóa thủ tục cho người nộp đơn khi muốn đăng ký nhãn hiệu của mình ở nước ngoài. Nhưng cũng cần lưu ý thêm, về cơ bản hệ thống Madrid có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên có những trường hợp thì đăng ký trực tiếp sẽ tốt hơn cho người nộp đơn. Do vậy, người nộp đơn cần xem xét các tình huống cụ thể và có các hình thức đăng ký phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình. Đầu mối tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp:
- Bảo đảm rằng khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của các công ty khác nhau;
- Giúp cho các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ;
- Tạo ra một công cụ tiếp thị và là cơ sở để tạo dựng uy tín và hình ảnh của một thương hiệu;
- Tạo cơ hội để chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) nhãn hiệu hoặc nhượng quyền thương mại (franchise) nhãn hiệu;
- Trở thành một bí mật kinh doanh có giá trị;
- Khuyến khích các công ty đầu tư vào việc duy trì chất lượng sản phẩm, qua đó bảo đảm quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.