Giải quyết tranh chấp trong sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ là một vấn đề trong những năm gần đây đang được rất nhiều người quan tâm và ngày càng phát triển. Vì vậy, một điều không thể tránh khỏi đó là các tranh chấp về sở hữu trí tuệ diễn ra với tần xuất ngày một nhiều. Có thể nói đây là loại tranh chấp đặc thù xuất phát từ tính chất vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ. Pháp luật về sở hữu trí tuệ trên thực tế tại Việt Nam còn mới và tính phổ biến chưa cao, kiến thức về lĩnh vực này, chẳng hạn như tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu vẫn chưa được cập nhật rộng rãi cho người dân. Hơn nữa, để tham gia giải quyết giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, ngoài kiến thức về pháp luật cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần có kỹ năng tốt mới có thể bảo vệ được quyền lợi và hạn chế rủi ro cho mình. Vậy giải quyết tranh chấp trong sở hữu trí tuệ là gì và các phương thức để giải quyết tranh chấp là gì?
1. Khái niệm giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
Đầu tiên, ta cần hiểu về quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, tổ chức đối với những tài sản trí tuệ, đó là những tài sản được sản xuất từ trí óc, hoạt động tư duy của con người. Tài sản về sở hữu trí tuệ thường được bắt gặp trong các lĩnh vực về công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Trong thời đại 4.0, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ và nền kinh tế tri thức, giá trị của tài sản trí tuệ ngày càng được gia tăng về số lượng và chủng loại. Đây là loại tài sản vô hình nên rất khó để có thể kiểm soát trong xã hội, tuy nhiên mặt khác nó lại đem về những lợi ích tinh thần và kinh tế vô cùng to lớn cho tác giả và chủ sở hữu, từ đó dẫn đến các trường hợp về tranh chấp phát sinh.
Từ khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ ta có thể luận ra được thế nào là tranh chấp về sở hữu trí tuệ: Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là những tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và những xung đột về lợi ích kinh tế, tinh thần từ việc sử dụng, khai thác các đối tượng đó.
Về cơ sở phát sinh tranh chấp về sở hữu trí tuệ có nhiều nguyên nhân:
– Phát sinh bắt nguồn từ việc trự tiếp sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ
– Phát sinh bắt nguông từ việc tham gia các giao dịch thương mại liên quan đến đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (tranh chấp về quyền nhân thân, quyền tài sản, tranh chấp trong giao kết, thực hiện hợp đồng li-xăng, chuyển nhượng quyền, chuyển giao công nghệ,…)
2. Các đặc điểm của tranh chấp sở hữu trí tuệ
Tương tự như những tranh chấp trong các lĩnh vực khác, tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng có những đặc điểm riêng cơ bản sau đây:
Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có tính đa dạng và phức tạp: Như đã nói phía trên, sở hữu trí tuệ thường được áp dụng trong các lĩnh vực về nghệ thuật, khoa học công nghệ chuyên sâu của mỗi lĩnh vực. Vì vậy, việc nhận thức và đánh giá chính xác bản chất và tình huống tranh chấp rất khó khăn, thậm chí đối với cả chính các bên tham gia tranh chấp và bên giải quyết. Từ đó, để giải quyết tranh chấp đòi hỏi phải được giải quyết bởi chuyên gia, những người có trình độ cả về pháp luật lẫn lĩnh vực của đối tượng tranh chấp.
Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường có tính đa quốc gia: Một điều khác cũng góp phần tạo nên tính phức tạp của tranh chấp về sở hữu trí tuệ là tính đa quốc gia. Tranh chấp có thể phát sinh giữa các chủ thể có quốc tịch khác nhau và không giới hạn về phạm vi không gian. Do vậy, khi tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên nên lưu ý về phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu lực đối với cả hai và được công nhận rộng rãi.
Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi tính bảo mật cao: không chỉ về tranh chấp nói riêng mà đa phần các giao dịch về sở hữu trí tuệ đều đòi hỏi phải có tính bảo mật, đặc biệt đối với các giao dịch về quyền đối với sáng chế, bí mật kinh doanh. Trong thực tế, nhiều trường hợp tranh chấp phát sinh từ hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó
Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là các tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng): Đây là những tranh chấp phát sinh từ những giao dịch tư, giữa các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Việc giải quyết các tranh chấp này chủ yếu để bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức
3. Các phương thức giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
3.1. Thương lượng
Cũng như các tranh chấp trong những lĩnh vực khác, thương lượng là một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp đầu tiên mà các chủ thể hướng tới dựa trên nguyên tắc tự do, tự thỏa thuận, định đoạt trong dân sự. Có thể nói đây là phương pháp giải quyết mang tính chất “nội bộ” bởi các bên trong tranh chấp sẽ tự thỏa thuận với nhau để đi đến thống nhất cuối cùng về cách giải quyết xung đột mà không cần sự can thiệp từ bên thư ba.
Đặc biệt phương pháp thương lượng là một phương pháp khá hiệu quả vì tính linh hoạt của nó. Khi tiến hành thương lượng, các bên sẽ thỏa thuận thống nhất mà không chịu sụ ràng buộc của quy định pháp luật. Theo pháp luật Việt Nam, thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp được ghi nhận tại Điều 317 Luật Thương mại về hình thức giải quyết tranh chấp, ngoài ra không có quy định nào khác điều chỉnh nó.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng các thỏa thuận đạt được từ thỏa thuận sẽ được các bên thực hiện trên tinh thần tự nguyện mà sẽ không có quy chế pháp lý nào đảm bảo cho việc đó.
3.2. Hòa giải
Khác với thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba, đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức được chỉ định hoặc chấp nhận là trung gian, vai trò của bên thứ ba là hỗ trợ, thuyết phục các bên trong tranh chấp tìm ra giải pháp để giải quyết xung đột. Phương thức hòa giải mặc dù có sự tham gia của bên thứ ba nhưng vẫn tương tự với thương lượng, thỏa thuận của các bên luôn được tôn trọng và tự nguyện.
Hòa giải có thể được thực hiện trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải trong tố tụng được thực hiện với tư cách là một bước trong thủ tục tố tụng của Tòa án hay trọng tài. Trong tố tụng, hòa giải được coi là một nguyên tắc được khuyến khích khi các bên xảy ra tranh chấp, điều 58 Luật Trọng tài thương mại quy dịnh: “Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.” Trong thủ tục tố tụng tại tòa án, hòa giải là bước đầu tiên và cũng là một thủ tục bắc buộc, nếu các bên thống nhất được phương án giải quyết thì thỏa thuận đó sẽ được tòa án công nhận và có hiệu lực ngay mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự thì: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
3.3. thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tự nguyện lựa chọn, theo đó thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua hội đồng trọng tài được lập ra để giải quyết và phán quyết của hội đồng trọng tài có tính chất bắt buộc đối với các bên
Trọng tài thương mại ở Việt Nam được tổ chức dưới hình thức các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là một loại hình tổ chức phi chính phủ, một tổ chức mang tính chất xã hội – nghề nghiệp, hoạt động theo pháp luật và quy chế trọng tài. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài không được sử dụng quyền lực nhà nước như tòa án. Tuy nhiên phán quyết giải quyết trah chấp của trọng tài là bắt buộc phải thi hành đối với các bên.
Điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được
3.4 thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tòa án
Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của tòa án – cơ quan tài phản Nhà nước, nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. Khác với thương lượng, hòa giải và trọng tài, việc giải quyết tranh chấp chỉ có thể thực hiện được nếu có sự thống nhất ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên. Nhưng đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án, sự thỏa thuận của các bên không phải là điều kiện bắt buộc để vụ tranh chấp được đưa ra tòa án giải quyết.
Tòa án có thể thụ lý giải quyết vụ tranh chấp khi nhận được yêu cầu của một bên. Đây chính là một ưu thế của tòa án so với các phương thức giải quyết tranh chấp còn lại, khi mà các bên không đạt được sự thỏa thuận cần thiết trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp
Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại tại tòa án được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Với tính chất là những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ khi được giải quyết tại tòa án cũng theo quy định chung của pháp luật tố tụng dân sự, ngoài ra có một số quy định riêng cho việc giải quyết loại. Thông thường, tòa án sẽ thụ lý giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, trong đó có tranh chấp về sở hữu trí tuệ nếu tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của toàn án và giữa các bên không có thỏa thuận về trọng tài hoặc có thỏa thuận về trọng tài nhưng thỏa thuận đó vô hiệu hay không thể thực hiện được.
Trên đây là các phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Theo đó khi có tranh chấp xảy ra, các bên có thể tiến hành giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án.
Bài Viết Liên Quan
Đối tượng nào cần dịch vụ bảo hộ kiểu dáng tại An Giang?
Lợi ích khi sử dụng dịch vụ bảo hộ sáng chế tại Nam Định
Điều kiện để bảo hộ nhãn hiệu tại Quảng Bình là gì? Vì sao cần phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?
Lợi ích của việc sử dụng dịch vụ bảo hộ bản quyền tại Phú Yên
Lợi ích của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Nha Trang
Dịch Vụ Bảo Hộ Sáng Chế tại Huế Bao Gồm Những Gì?
Những yếu tố cần lưu ý khi bảo hộ nhãn hiệu tại DakLak
Quyền lợi được bảo vệ trong bản quyền tại Gia Lai
Điều kiện để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Quy Nhơn
Các bước trong dịch vụ bảo hộ sáng chế tại Bình Định